Chúng ta đang sống trong một thế giới, đôi khi những chủ thuyết vô thần biến xã hội loài người trở nên như một khu rừng, nơi mà con người phải “đấu tranh và sinh tồn”. Lối sống như vậy đã đẩy chúng ta rơi vào tình trạng kẻ mạnh thì thắng, người yếu thì thua và bị loại bỏ, mất đi nhân phẩm và không có giá trị nhiều trong xã hội. Thứ duy nhất tồn tại trong xã hội như vậy chỉ là sự trao đổi lợi ích đôi bên, không có chỗ cho lòng thương xót sẵn sàng “cho nhưng không”.
Chúa Nhật kính Lòng thương xót Chúa giới thiệu cho chúng ta hình ảnh một Đức Giêsu Kitô Phục sinh đã không bỏ rơi các môn đệ trong sợ hãi. Ngài làm cho các ông được “Phục sinh” ngay từ căn phòng đóng kín các cửa vì sợ hãi. Ngài chẳng bỏ rơi ai, để rồi nhờ gặp gỡ Đấng Phục sinh và chạm vào các vết tích của lòng thương xót, các môn đệ đã trỗi dậy hân hoan, tràn trề hy vọng.
Đức Kitô phục sinh đã hiện ra với các vết tích của lòng thương xót.
Không phải là một thân thể sáng láng rạng ngời và được phục hồi một cách hoàn thiện nhất nhưng Đấng Phục sinh đã hiện ra với năm vết thương chí thánh trên mình như bằng chứng về cuộc khổ hình thập giá và cái chết vì yêu thương nhân loại. Đứng trước các môn đệ không phải là một bóng ma hay một ảo ảnh, nhưng là một Thiên Chúa thật bằng xương bằng thịt đã trỗi dậy từ cõi chết với các vết tích của lòng thương xót mà các ông có thể nhìn thấy và chạm vào được. Không phải là những lời trách móc vì đã bỏ Thầy, cũng chẳng phải là những lời quảng bá về sự vinh quang Thiên Chúa, nhưng là sự trao ban bình an và Thánh Thần “bình an cho các con …Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Có lẽ hơn ai hết, Chúa Phục sinh hiểu rõ sự yếu đuối và những thương tổn của các môn đệ khi phải đối diện với con đường thập tự giá. Ngài đã dịu dàng cho các môn đệ thấy chính những vết thương của Ngài, để nhờ sự đồng cảm và khuyến khích của lòng thương xót mà các môn đệ đã trỗi dậy sau những lần vấp ngã.
Lòng thương xót của Chúa chẳng loại trừ một ai.
Tôma, người đến muộn. Ông đã không hiện diện khi Chúa hiện đến và ông cũng chẳng tin vào lời chứng của những người anh em môn đệ. Không những vậy, dường như ông còn thách thức Thiên Chúa: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Không biết ông Tôma nghĩ ông là ai mà nghi ngờ các anh em môn đệ và dám thử thách cả Thiên Chúa? Có lẽ khi phải đối diện với các biến cố kinh hoàng và đứng trước biến cố phục sinh quá vĩ đại nhiệm màu thì dường như ông đã sốc. Mặc dù vậy, Chúa cũng không để Tôma bị tụt lại và bỏ rơi mà không được hưởng niềm vui trọn vẹn của Chúa Phục sinh. “Tôma có thể đụng chạm vào những thương tích ấy và khám phá ra tình yêu, khám phá ra Thầy mình đã đau khổ nhiều như thế nào khi bị ông bỏ rơi. Cũng chính nơi những thương tích ấy, bàn tay của Tôma đã đụng chạm được sự thân mật dịu dàng của Thiên Chúa. Tôma, kẻ đến muộn, khi ôm lấy lòng thương xót, lại trở nên trổi vượt hơn so với các môn đệ khác, vì ông không chỉ tin vào sự phục sinh mà còn tin vào tình yêu vô ngần vô hạn của Thiên Chúa. Để rồi chính ông tuyên xưng đức tin cách đơn sơ nhất, nhưng cũng đẹp đẽ nhất: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”” (Bài giảng lễ Lòng Thương Xót Chúa năm 2020 của ĐTC Phanxicô). Tôma như người làm vườn đến muộn (trong Tin Mừng của thánh Mathêu chương 20) nhưng vẫn được lãnh phần thưởng như những người đến sớm. Đó là bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa chẳng bỏ rơi ai.
Chúng ta “giống đứa bé bắt đầu tập đi và té ngã, chúng ta cũng thận trọng mò mẫm để tiến về phía trước; đi được vài bước và lại ngã; ngã và lại ngã, và mỗi lần ngã, người cha lại nâng cậu bé dậy. Đôi tay luôn nâng đỡ chúng ta chính là lòng thương xót: Thiên Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót, chúng ta sẽ nằm mãi dưới đất, và để bước đi được, chúng ta cần Thiên Chúa đặt chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình.” (Bài giảng lễ Lòng Thương Xót Chúa năm 2020 của ĐTC Phanxicô).
Lòng thương xót của Chúa luôn dịu dàng và kiên trì nhẫn nại. Ngài chẳng cần biết chúng ta vấp ngã bao nhiêu lần, nhưng vẫn thương yêu nâng chúng ta dậy và khuyến khích chúng ta tiến về phía trước với niềm hy vọng. Lòng thương xót và sự phục sinh của Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
Lm. Jos Nguyễn Huy